Theo văn bản Báo Người Lao Động nhận được rạng sáng 2-11, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, sau khi nhận được tham vấn từ ủy ban khẩn cấp, đã quyết định duy trì đậu mùa khỉ là một PHEIC (Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế).
Cuộc họp của ủy ban khẩn cấp đã được triệu tập từ ngày 20-10 nhằm bàn thảo về diễn biến của dịch bệnh toàn cầu này. Cuộc họp đưa đến đồng thuận rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đậu mùa khỉ tiếp tục tạo thành một PHEIC – Ảnh: REUTERS
Theo thống kê của WHO, kể từ khi bệnh đậu mùa khỉ đột nhiên lan rộng ra ngoài các quốc gia Tây Phi, nơi nó đã từng là dịch bệnh lưu hành cách đây 6 tháng, nó đã giết chết 36 người trong tổng số hơn 77.000 trường hợp được xác định từ 109 quốc gia.
Đợt bùng phát đạt đỉnh vào tháng 7 và đang có xu hướng “hạ nhiệt” trong thời gian gần đây. Sự bùng phát bên ngoài Tây Phi chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm MSM (nam thanh niên có quan hệ tình dục đồng giới).
WHO cho biết số ca mắc mới trên toàn cầu trong 7 ngày tính đến hôm 31-10 đã giảm 41% so với tuần trước đó. Nhưng ủy ban khẩn cấp của WHO nhấn mạnh rằng “có một số nguyên nhân kéo dài đáng lo ngại”.
Họ liệt kê các vấn đề gây quan ngại là sự lây truyền vẫn đang diễn ra phức tạp ở một số khu vực, sự không đồng đều trong việc chuẩn bị và ứng phó trong và giữa các quốc gia, khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe lớn hơn nếu virus bắt đầu lây lan nhiều hơn trong các nhóm dân số dễ bị tổn thương
Hệ thống y tế yếu kém ở một số nước đang phát triển dẫn đến báo cáo thiếu và thiếu khả năng tiếp cận công bằng đối với chẩn đoán, thuốc kháng virus và vắc-xin vẫn tiếp tục đưa đến các nguy cơ tiềm ẩn.
Ngoài đậu mùa khỉ, toàn thế giới có 2 PHEIC khác đang hoạt động là COVID-19 và bại liệt.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)