Trang chủ Kinh doanhTài chính Sự phân hóa lãi suất giữa các ngân hàng trong tháng 6

Sự phân hóa lãi suất giữa các ngân hàng trong tháng 6

bởi Linh

Thị trường ngân hàng đang chứng kiến sự phân hóa rõ rệt về lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng. Dù mặt bằng lãi suất nhìn chung không biến động lớn, nhiều ngân hàng vẫn triển khai các gói lãi suất hấp dẫn đi kèm điều kiện chặt chẽ, nhắm đến các khách hàng có nguồn vốn lớn.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đang niêm yết lãi suất cao nhất lên tới 9,65%/năm dành cho khoản tiền gửi từ 1.500 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 13 tháng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng đưa ra mức 9%/năm cho kỳ hạn 12–13 tháng với yêu cầu số dư từ 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) áp dụng mức 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng với điều kiện khách hàng duy trì số dư từ 500 tỷ đồng. Trong hệ sinh thái của HDBank, ngân hàng số Vikki Bank cũng thu hút sự chú ý với mức 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, áp dụng cho khoản gửi từ 999 tỷ đồng.

Các ngân hàng khác cũng triển khai chương trình lãi suất cao theo mô hình “ưu đãi có điều kiện” như Ngân hàng TMCP Lộc Việt (LPBank) với mức 6,5%/năm lĩnh lãi cuối kỳ cho khoản gửi từ 300 tỷ đồng, hay Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với mức 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với khách hàng gửi 200 tỷ đồng trở lên.

Ngược lại, nhóm ngân hàng lớn gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vẫn duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và ở mức thấp. Theo biểu lãi suất áp dụng cho hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng, mức lãi suất dao động từ 1,6% đến 4,8%/năm.

Trong nhóm này, Agribank niêm yết lãi suất có phần nhỉnh hơn ở nhiều kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1–2 tháng được Agribank niêm yết ở mức 2,1%/năm, cao hơn 0,5%/năm so với 3 ngân hàng còn lại. Với kỳ hạn 3–5 tháng, Agribank vẫn dẫn đầu với 2,4%/năm.

Biểu đồ lãi suất huy động của các ngân hàng

Lãi suất huy động của các ngân hàng

Sự phân hóa lãi suất giữa các ngân hàng cho thấy hai thái cực trong chiến lược kinh doanh. Trong khi các ngân hàng lớn tiếp tục ưu tiên ổn định, thanh khoản cao và chính sách huy động vốn bền vững với lãi suất thấp, các ngân hàng thương mại cổ phần, nhất là nhóm nhỏ và trung, theo đuổi chiến lược hút dòng tiền bằng lãi suất cao nhưng ngày càng gắn với điều kiện gửi tiền quy mô lớn.

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần dòng vốn trung và dài hạn để phục hồi, sự phân hóa này dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Những thay đổi nếu có sẽ chủ yếu xuất hiện ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Có thể bạn quan tâm